ÔNG NĂM 

            

           Sau cái chết của chồng cô Hiếu, ông Năm già đi thêm một chút. Tóc ông gần như bạc hẳn và lưng còng hơn. Thỉnh thoảng Hiền đưa ông ít thuốc bổ. Ông Năm trở nên ít nói hơn xưa.  

            Ông Năm như điên cuồng vì lo lắng khi nghe tin đánh lớn ở Quảng Trị. Ông lại gầy xộc đi, hai mắt lõm sâu. Từ ngày ra đi, Thành chưa hề về phép, nhưng vẫn có thư từ. Ðó là điều an ủi ông Năm.

            Ngày đài phát thanh cho dân Saigon nghe tin chiến thắng và bài hát ca tụng chiến công Quảng Trị « Hồi sinh rồi, này mẹ, này em, qua đêm đen, tìm thấy ánh mặt trờỉ » cùng một lúc nhận thơ con trai, ông Năm nhẩy lên vì sung sướng. Ông mừng hơn bắt dược của, nhất là trong thơ, Thành báo tin sắp về phép, nhân dịp đơn vị được gắn huy chương.  

            Ông lại nghỉ ba ngày để nhậu nhẹt. Khi gặp lại, Hiền thấy ông hớn hở như chưa từng được vui như thế.  

            Có vẻ như ông Năm đã nguôi ngoai phần nào về cái chết của con rể. Ông lại vui vẻ khoe bé Liên thông minh và lém lỉnh. Chẳng mấy chốc đã sắp đi lớp mẫu giáo. Ông Năm tiếp lời :  

-       Con Hiếu nhà tôi cũng được trời thương đền bù cho nó cô ạ! Nhờ chút tiền tử tuất, rồi vợ chồng tôi phụ thêm, nó mua được cái xe bán nước mía, khỏi phải đi gánh nước mướn nữa. Bây giờ nó bầy bán ở ngay trước cửa chợ Trương Minh Giảng gần nhà, sắp lên dốc cầu đó cô. Hôm nào đi làm qua, nếu không chê, mời cô ghé qua uống ly nước.  

Những năm, những tháng kế tiếp nhau qua đi. Những khó khăn trong cuộc sống càng lúc càng nhiều hơn và trầm trọng hơn. Ông Năm nổi giận đùng đùng khi thấy sự hiện diện của cộng sản trong Camp Davis ở Tân Sơn Nhất. Ông phản đối mạnh mẽ những cuộc nói chuyện ba bên, bốn bên này nọ. Ông chỉ muốn « Ðánh thốc ra Bắc một lần quyết tử cho xong. Bàn thảo với những đứa chuyên viên lật lọng chỉ thiệt mà thôi ». Khi thì ông bi quan, có lúc lại thấy rất lạc quan. Khi có dịp đi qua vùng quân sự phía Tân Sơn Nhất, ông không ngớt nhớn nhác nhìn về phía ông cho rằng có mặt Việt cộng trong đó, mặc dù phía ngoài đường không có gì lạ ngoài những người lính xưa nay vẫn gác ở đấy.  

            Khi trên đài phát thanh, nha chiến tranh tâm lý cho hát bài Hội Nghị Diên Hồng « Toàn dân nghe chăng ? Sơn hà nguy biến. Hận thù đằng đằng. Biên thùy rung chuyển... » thì mọi người hiểu chiến tranh đã đến lúc rất ác liệt.  

            Dân miền Nam như sống trên lò lửa. Không khí chiến tranh hừng hực. Hết nghe tin chiến thắng chỗ này lại nghe tin tổn thất chỗ kia. Tin hoán chuyển, thay đổi tướng lãnh, ông này giỏi hơn, ông kia quá dở v.v...Vật giá leo thang từng ngày. Ông Năm không ngớt bàn tán. Thiên hạ rủ nhau ùn ùn đi mua tích trữ tất cả những gì tích trữ được, kể cả dầu hôi, thùng gaz, thậm chí đến cả những vật dụng thường ngày.  

            Khi truyền hình cho thấy hình ảnh dân miền Trung ào ạt di tản vào miền Nam thì ông Năm không bàn tán nữa mà hoảng sợ trông thấy. Ông trông tin con trai. Ông như sống trong lò lửa.  

            Ban Mê Thuột mất vào tay cộng sản. Lần lượt các tỉnh cao nguyên rồi các tỉnh miền ven biển. Từng đoàn dài cả chục cây số, người gồng kẻ gánh, khuân vác, ôm đội, dắt nhau chạy, chen chúc giữa những xe vận tải nhà binh và xe tư nhân đủ loại. Từng rừng người bu đen bãi biển, đeo lấy những thuyền hàng hải và cả các chiến hạm. Ở Saigon, một số dân có tiền, có địa vị, đã lấy máy bay đi ngoại quốc. Ngưới ta nói chuyện ra đi bằng mọi phương tiện, trong khi những quân nhân súng đạn gắn đầy mình, trấn giữ khắp nơi. Tiếng bom đạn nghe rát rạt. Hãng của Hiền cũng ở trong hoàn cảnh chung nên cũng khi mở khi đóng cửa. Công việc vì thế cũng khi có khi không, nên Hiền cũng thưa gặp ông Năm. Mỗi lần gặp, Hiền thấy ông già xọm đi phát thương hại.

            Cả miền Nam sôi sục. Người ta đồn ông tổng thống đã ra đi đem theo rất nhiều vàng. Người ta kể với nhau về những tướng này đã bay đi ngoại quốc cùng vợ cả lẫn vợ bé, ông tướng kia ngược lại còn cảm tử trấn giữ vùng đất còn lại. Người ta cũng bàn tán, phỏng đoán ai sẽ lên thay thế ông vừa ra đi, cần ai vào lúc thập tử nhất sinh này, ai có thể cứu vãn tình trạng thảm khốc này và ai là kẻ vô tích sự.  

            Ðúng lúc Saigon sắp rơi vào tay cộng sản thì chú xích lô trẻ hớt hải đạp xe tới tìm Hiền.

            Trên đường rút quân, Thành bị thương nặng, được chở vào quân y viện Saigon và trút hơi thở. Xác cũng được đem về nhà.  

            Mặc dù gần như không còn đi làm nữa vì hãng hầu như đóng cửa và vì các phòng mạch cũng đa số đóng cửa. Các bác sĩ cũng có người bỏ đi nên Hiền không đi trình thuốc được nữa và vì vậy không đi xe ông Năm nữa, nhưng ông Năm vẫn cho người báo tin cho Hiền, vì ông biết lúc nào Hiền cũng coi ông như người trong gia đình, đã chia xẻ với ông bao nhiêu vui buồn trong bao nhiêu năm qua. Dù điên đầu vì bao nhiêu chuyện quan trọng, bừa bộn, phải giải quyết, Hiền cũng chạy đến nhà ông Năm lần nữa.  

            Hiền không nhận ra ông Năm nữa. Vì đã khóc quá nhiều, mắt ông đỏ sọc, xưng húp và hình như có ánh hung dữ. Có lẽ ngoài nỗi buồn còn chen lẫn nỗi thống hận cuộc đời. Mặt ông hốc hác, xám như tro tàn. Ông ngồi bất động như bức tượng đen đủi, nhem nhuốc, xốc xếch, đầu bù tóc rối. Khi Hiền bước vào nhà, ông chỉ liếc nhìn chứ không nhúc nhích. Hai hàng nước mắt từ từ trào ra. Ông cứ ngơ ngẩn như mất hồn và bất động như thế. Chỉ có bà Năm và Hiếu khi thấy Hiền đến thì òa khóc to thêm và nhào ra ôm lấy chiếc quan tài cũng có hai cây nến trắng đang cháy. Mùi nhang tràn ngập căn phòng nhỏ.  

            Trên nắp quan tài hai mắt Thành như đang trìu mến theo dõi người thân than khóc mình. Trên ve áo trong hình, có hai hoa mai rực sáng.  

            Khá lâu sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Hiền gặp lại ông Năm ở trước chợ tân Ðịnh. Tóc ông bây giờ bạc phơ và thưa hẳn. Ông uể oải đạp chiếc xe không người gần chợ kiếm khách. Nhìn mãi Hiền mới nhận ra ông. Ông cũng không nhận ra Hiền ngay nên giọng ông ngạc nhiên lắm :  

-       Trời ơi, cô Hiền. Trời ơi! Tôi không nhận ra cô đó nghe. Nếu cô không  cười với bà bán hàng thì tôi khó lòng nhìn ra.

Hiền cười buồn bã, chỉ vào bộ áo bà ba trên chiếc quần đen, nửa đùa nửa thật :  

-        Hoá trang như thế này làm sao ông nhận ra tôi.      

Ông bùi ngùi tâm sự :

 

-        Thay đổi hết rồi cô ạ! Hết tất cả, cả cô, cả tôi. Nói thật vì tôi quý cô xưa nay, mới đây thôi cô còn đẹp thế mà bây giờ trông như bà già, thật là cái đời khốn nạn.     

Vẻ nghiêm trọng, ông không còn bẽn lẽn khi nói đến dung mạo của Hiền. Dù đang nẫu cả ruột gan, Hiền cũng phải bật cười vì câu than của ông Năm. Mặc dù chẳng có gì đáng cười, trái lại ông đã nói lên sự thật não lòng. Ông chợt nhỏ giọng thì thầm :  

-       Tôi tưởng cô đi rồi chứ? Sao cô không đi? Nhiều lần tôi tính đi ngang nhà cô xem cô đi hay chưa, nhưng tôi lại sợ gây chú ý với bọn công an phường nhà cô, nên đành thôi. Sống làm sao được với lũ này hở cô? Ðến xích lô như tôi, nếu đi được tôi cũng đi, huống hồ người như cô? Cả nước ở tù, cải tạo gì? Giết người từ từ thì có. Chúng nó khôn hơn tụi Miên nhiều. Chúng nó gian ác lắm. Làm sao sống được? Ngày xưa thì nó đấu tố. Bây giờ thì nó nhờ rừng thiêng nước độc giết người. Sống làm sao được?      

Ông Năm vừa nói vừa lắc đầu. Chợt mắt ông xa xôi :  

-        Thú thật với cô, thằng Thành nhà tôi chết như vậy lại hóa ra may cho nó cô ạ! Ít ra cũng còn có đám tang. Tôi cứ nghĩ mãi, nếu không, nó cũng rục xương nơi rừng sâu núi thẳm rồi cô ơi! Chẳng chết cũng thân tàn ma dại. Chúng nó dã man thật, dã man thật!      

Ông Năm cứ lẩm bẩm câu « sống làm sao được » và « dã man thật ». Mặt ông thẫn thờ, buồn hiu hắt. Hiền thấy hình như ông khóc, mắt ông đỏ lên, nhưng có lẽ ông cố nhịn nên không thấy nước mắt chẩy ra trên khuôn mặt sạm nắng hom hem và nhăn nheo. Ông vẫn thì thầm :  

-        Cô xem, có cay đắng hay không? Phải treo ảnh lão già phải gió đó trong nhà, còn ảnh thằng Thành mặc đồ trung úy, trên bàn thờ nó, tôi phải thay tấm khác.    

Ông đổi giọng giận dữ :

 

-     Cô coi, cả đời tôi ăn hiền ở lành, chẳng hại ai bao giờ. Có được thằng con trai tuy chẳng bằng ai, nhưng cũng làm nở mày nở mặt thứ xích lô như tôi. Nó vắn số làm vợ chồng tôi buồn muốn chết được. Thế mà đến cả hàng xóm cũ cũng có để chúng tôi yên đâu. Có đứa thối mồm cũng tâu rỗi sao đó với công an phường khóm, thứ 30 tháng 4, xanh vỏ đỏ lòng, ấy mà. Trước đây nó ganh tị mà mình nào có hay. Aáy là nó có ăn cơm của mình đấy. Những lúc nhậu nhẹt có quên chúng nó đâu. Ðến khi cháy nhà mới ra mặt chuột cô ạ! Công an đến hỏi tôi đủ điều về thằng Thành. Nào tôi có biết ất giáp gì đâu. Aáy là nó đã chết rồi đấy cô. Tôi buồn quá, giá mà chết được chắc chắn sướng hơn. Ðến tuổi này tôi cũng chẳng thiết gì nữa cả. Bà xã tôi bây giờ như người mất vía, thật tộâi bà ấy quá.

Hiền hỏi thăm đến Hiếu thì ông nói :  

-        Nhờ Trời, hai mẹ con nó vẫn còn xe nước mía, sống qua ngày. Bọn tôi mới khổ. Già rồi, lại ít ai đi xích lô, cô thấy đấy. Chán lắm cô ơi!    

Rồi chợt ông hạ giọng :  

-        Sao cô không đi? Thiên hạ vượt biên quá trời. Ở tù cũng khá, nhưng vẫn có người thoát. Chỉ có điều thời buổi này, thật chẳng biết tin ai, nó lấy tiền rồi nó đi tố giác hay là tổ chức ma, có đi cô cũng phải cẩn thận đấy. Nhưng mà tôi nghĩ, người tốt như cô, thể nào Trời cũng che chở cho. Ði đi cô ạ! Cô còn nhớ ông bác sĩ gì ở đường Nguyễn Thiện Thuật ấy, bà vợ có cái nhà thuốc tây bên cạnh ấy, đi rồi. Nhiều khi đạp xe qua những phố cũ, nhìn cảnh cũ mà người đã vắng, tôi nhớ những năm đạp xe cho cô quá.

Ông Năm nhìn vào tận mắt Hiền nhắn nhủ, hối thúc. Ngay lúc đó Hiền có cảm giác như đây là lần cuối cùng ông trò chuyện với mình. Hiền cũng hạ giọng :  

-        Tôi cũng muốn đi lắm ông Năm ạ! Nhưng không dễ như ông biết đấy.  

Mắt ông Năm lại chợt xa vắng. Hiền bùi ngùi vỗ vỗ trên mu bàn tay ông đang để trên yên xe. Bàn tay ông Năm nhăn nheo, già nua, sạm nắng. Nàng tưởng như sờ vào vỏ cây thông ngàn năm, sần sùi, chai cứng, nhẫn nại thách đố thời gian.

Hiền từ giã ông Năm, lên xe đạp đi. Nàng có cảm tưởng ông Năm đang nhìn theo sau lưng nàng.  

Quả thật đó là lần cuối cùng Hiền gặp và nói chuyện với ông Năm. Sau đó ít lâu, gia đình Hiền vượt biên, sau hơn bốn năm sống dưới chế độ cộng sản ở miền Nam. Thời gian đủ để nhận diện một chế độ.

Giờ đây, có những lần xem truyền hình nói về Việt Nam, nhìn cảnh Saigon, xe gắn máy đủ loại, xe đạp và xích lô, tấp nập, Hiền nhớ tới ông Năm và tự hỏi bây giờ ông ra sao? Còn sống hay đã là người thiên cổ? Ôi cây thông ngàn năm thẳng cứng!  

VÂN HẢI